Cần Thơ trung tâm của đồng bằng sông
Cửu Long luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Lần gần nhất tôi ghé Cần
Thơ cũng đã khá lâu rồi, trong lần trở lại hôm nay tôi thực sự ngạc nhiên về sự
phát triển của thành phố này. Những con đường sạch sẽ, rộng rãi, bến thuyền
ngăn nắp, chuyên nghiệp tấp nập du khách lên xuống, các điểm du lịch như chợ
nổi Cái Răng, vườn cây Ba Cống, cơ sở sản xuất hủ tíu đem đến cho chúng tôi
nhiều cảm xúc và trải nghiệm thật thú vị.
Bến Ninh Kiều
Cần Thơ trong mắt tôi
Sau khi rời khỏi chùa Vĩnh Tràng ở
Tiền Giang, chúng tôi tiếp tục hành trình về với Cần Thơ, đây cũng là nơi nghỉ
qua đêm của cả đoàn. Xe lần lượt lướt qua những địa danh quen thuộc như ngã 3
Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, Mỹ Thuận, Bình Minh, cầu Cần Thơ để đến với thủ
phủ của miền tây sông nước. Trên đường đi tôi đã kịp thưởng cho mình một tô bún
bò ngon tuyệt tại trạm dừng chân Minh Phát. Đến Cần Thơ sau khi nhận phòng
xong, tắm rửa sạch sẽ chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Cần Thơ về đêm. Do
khách sạn tôi ở cũng khá gần bến Ninh Kiều nên chúng tôi rảo bộ ra khu vực này.
Bến Ninh Kiều hiện nay là một công viên dọc bờ sông mát mẻ, sạch sẽ, có rất
nhiều ghế đá và không gian công cộng cho người dân và du khách dừng nghỉ chân.
Tôi hít căng lồng ngực những cơn gió mát lạnh từ sông Hậu thổi vào, nhẹ nhàng
tận hưởng không gian tuyệt vời nơi đây. Dọc theo bến Ninh Kiều là những nhà
hàng, khách sạn, quán ăn. Đi một hồi mỏi chân chúng tôi ghé quán Viva để uống
café. Vừa trò chuyện rôm rả, vừa ngắm nhìn cuộc sống của người dân nơi đây. Do
ở TP Hồ Chí Minh đã quá quen với việc đông đúc, chật chội nên đi đến chỗ nào
tôi cũng cảm thấy rất thoải mái, nhẹ nhàng. Đồng hồ chỉ 9h chúng tôi rời quán
về lại khách sạn. Một ngày tuyệt vời kết thúc bằng giấc ngủ thật sâu.
Một góc bến Ninh Kiều
5h30 sáng, chuông điện thoại reo
vang, tôi lục đục dậy, đánh răng rửa mặt xong xuôi rồi vội vàng chạy ra bến
Ninh Kiều để tìm cho mình những bức ảnh đẹp về bình minh trên sông. Lúc này đây
công viên rất ít người, không khí càng mát mẻ và trong lành hơn nữa. Phía trước
mặt tôi là những bến tàu du lịch gọn gàng, chắc chắn, có vài chiếc thuyền đang
đợi khách để đi chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm. Sau khi đã có những khung hình
ưng ý về bến tàu và dòng sông, chúng tôi đi ngược lại con đường dọc công viên,
tiếng rao gọi mua bán, tiếng người cười nói qua lại, tiếng chuông xe đạp lanh
lảnh, tất cả những thanh âm đó hòa quyện lẫn nhau tạo nên một bức tranh Cần Thơ
sáng sớm thật sôi động và tươi vui. Tôi có cảm giác rằng bất kì góc phố, mảng
tường nào ở khu vực này đều trở thành những bức ảnh cực kì ấn tượng. Quay trở
lại khách sạn để ăn sáng sau đó cả đoàn xuống thuyền bắt đầu khám phá chợ nổi
Cái Răng.
Đường phố ở Cần Thơ
Chợ nổi Cái Răng, vườn cây Ba Cống
Từ bến Ninh Kiều thuyền di chuyển
khoảng hơn 20 phút sẽ đến được chợ nổi Cái Răng, phải nói rằng khung cảnh hai
bên bờ sông rất đẹp và cực kì tương phản, tôi cứ nghĩ mình đang ở Venice của
nước Ý chứ không phải ở Cần Thơ. Bên mé Cần Thơ là những ngôi nhà cao tầng xen
lẫn nhà của người dân, phía đối diện là những ngôi nhà nhỏ xinh lấp ló sau
những vườn cây ăn trái. Sau khi thuyền đi qua khỏi cầu Cái Răng, chợ nổi đã bắt
đầu xuất hiện với những chiếc thuyền chở đầy trái cây và nông sản. Mà chợ nổi
là như thế nào, tại sao du khách lại thích đến chợ nổi? Có thể tóm gọn như thế
này: đồng bằng sông Cửu Long là nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt, tại những
nơi giao nhau giữa các nhánh sông hay kênh rạch, người ta thường họp chợ và mỗi
thuyền trở thành một cửa hàng di động trên sông, sản phẩm thì có rất nhiều loại
nhưng chủ yếu vẫn là trái cây và nông sản từ nhiều tỉnh, thành ở khắp miền tây
đổ về. Chợ nổi Cái Răng được xem là chợ nổi lớn nhất trong khu vực và đây cũng
là điểm tham quan nổi tiếng ở Cần Thơ.
Ghe trái cây ở chợ nổi Cái Răng
Thuyền chúng tôi chầm chậm đi vào khu
vực trung tâm của chợ nổi với sự xuất hiện dày đặc hơn của ghe thuyền từ khắp
nơi đổ về, có cả thuyền từ Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang chứ không
chỉ riêng thuyền ở Cần Thơ, trên mỗi thuyền có một cây tre dài, có nhiều nhánh
treo những vật phẩm mà thuyền đó bán gọi là cây bẹo. Có cây bẹo treo trái cây,
có cây chỉ treo rau củ quả nhìn rất sinh động và bắt mắt. Một chiếc thuyền chở
đầy dứa áp sát thuyền chúng tôi, cô chú chủ thuyền cười rất tươi và mời mọi
người dùng thử. Một trái dứa chỉ có 15k, vị ngọt có mùi thơm nhẹ. Món dứa này
chấm với muối ớt thì không còn gì bằng. Một vị khách ngoại quốc và một du khách
Việt lần lượt qua thuyền của cô chú để vừa chụp hình, vừa quan sát cắt gọt loại
trái cây này. Ngoài ra còn có thuyền bán nước uống, đồ ăn sáng cũng áp sát
thuyền chúng tôi, tất cả đều vui vẻ và tự nhiên, không có sự chặt chém, mời mọc
quá mức để du khách cảm thấy phiền lòng. Một ấn tượng tốt đẹp nữa về miền tây,
chúng tôi thấy mọi người trong đoàn đều vui vẻ, hài lòng khi ghé thăm chợ nổi
Cái Răng.
Hai vị khách rất thích thú khi được thưởng thức dứa
Rời khỏi chợ nổi, thuyền đưa chúng
tôi đến một cơ sở sản xuất hủ tíu truyền thống. Hủ tíu là món ăn được người dân
miền Tây rất ưa chuộng, có hủ tíu nước và hủ tíu khô. Một vài nơi như Mỹ Tho,
Sa Đéc rất nổi tiếng với món ăn này. Cả đoàn len lỏi qua những con đường bê
tông sạch đẹp để đến với lò sản xuất hủ tíu. Chúng tôi được quan sát quy trình
làm hủ tíu, giải thích về các công cụ, dụng cụ và nguyên liệu để làm ra sợi hủ
tíu chất lượng, thơm ngon. Một vài vị khách trong đoàn cũng mua một ít sợi hủ
tíu khô về làm quà cho gia đình. Quay ngược trở ra chúng tôi ngồi nghỉ tại một
chòi lá cặp theo bờ kênh, tại đây có bán rất nhiều loại bánh như bánh bò, bánh
da lợn, bánh bột mì, bánh chuối nướng…
Cơ sở sản xuất hủ tíu truyền thống
Một cuộc trao đổi ngắn gọn đã diễn ra:
Tôi: ở đây có bánh gì vậy em?
Cô bé bán bánh: dạ, có nhiều loại
bánh lắm anh, bánh bò, bánh chuối nướng, bánh da lợn nè. Anh thích loại nào.
Tôi: anh là khách du lịch nên thấy
loại nào cũng hấp dẫn hết, à trước khi anh mua bánh cho anh chụp hình mấy cái
bánh này nha.
Cô bé bán bánh: (Cười rất tươi) anh
cứ chụp đi, mà anh chụp để đăng báo hả.
Tôi: anh không phải nhà báo đâu em.
Anh chỉ viết bài về du lịch thôi (Nghe được gọi là nhà báo sướng gần chết nhưng
vẫn phải giả bộ mặc dù mình không phải là nhà báo).
Cô bé bán bánh: Vậy anh chọn bánh này
đi, em còn có một cái à, em tặng anh luôn, không tính tiền. Cười rất tươi nữa.
Tôi: hơi bất ngờ chút, mặc dù biết
trước người nơi đây rất dễ thương rồi nhưng không ngờ lại dễ thương đến vậy.
Tôi nói bánh thì anh lấy nhưng để anh trả tiền.
Cô bé bán bánh: Dạ không cái này em
tặng, cũng chỉ còn có một cái thôi. Lần sau anh ghé nhớ ủng hộ em là được rồi.
Cười rất tươi lần ba.
Bánh bò, bánh da lợn cực kì thơm ngon, hấp dẫn
Tôi cảm ơn cô bé và cầm bánh đi,
không quên nở nụ cười thật tươi. Bánh rất ngon, vẫn còn ấm, vị ngọt không quá
gắt, bên trong có nhân đậu xanh với đậu phộng, rất đơn giản mà cực kì ngon. À
quên chưa nói với các bạn, cô bé bán bánh chỉ chừng 12, 13 tuổi gì à. Bán phụ
cho chị thôi.
Đầu óc vẫn còn lâng lâng vì vị ngọt
của bánh còn vương vấn, tôi lên thuyền để đến với địa điểm cuối cùng trong bữa
sáng hôm nay là vườn trái cây Ba Cống.
Vườn trái cây Ba Cống và rừng tràm Trà Sư
Vườn trái cây Ba Cống
Sau khi ghé thăm cơ sở sản xuất hủ
tíu thì chúng tôi tiếp tục hành trình đến với điểm tham quan cuối cùng trong
buổi sáng ngày thứ hai đó chính là vườn cây Ba Cống, một khu vườn được thiết kế
đậm chất Nam Bộ, nơi đây có gần như đầy đủ các loại trái cây đặc sản của đồng
bằng sông Cửu Long. Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào khu vườn này chính là
chiếc cầu khỉ đặt trên một hồ nước nhỏ. Không thể nói gì hơn vì cầu khỉ chính
một trong những hình ảnh biểu tượng của miền tây. Du khách rất thích thú khi
được trải nghiệm cảm giác chông chênh khi đi trên cầu khỉ và khuôn mặt giãn ra,
cười sung sướng khi đến được đầu bên kia của cầu. Tại đây tôi có thể thấy rất
nhiều loại trái cây như: mít, thanh long, ổi, mận, bưởi, cam, quýt, xoài, ca
cao, chôm chôm, măng cụt…Được trò chuyện với chú Ba Cống, chủ nhân của khu
vườn, ấn tượng trong tôi là một lão nông cực kì hảo sáng, ánh mắt tinh anh,
thần thái vẫn còn rất minh mẫn dù chú tuổi đã cao. Không bỏ lỡ cơ hội được
thưởng thức trái cây miệt vườn, chúng tôi nhanh chóng dùng thử một số trái cây
dưới mái hiên mát mẻ của khu vườn.
Chèo thuyền ở Trà Sư
Chia tay với thành phố Cần Thơ đoàn
tiếp tục hành trình đến với thành phố Châu Đốc của tỉnh An Giang, nơi đoàn sẽ
dừng chân và nghỉ đêm tại đây. Tuy nhiên trước khi đến với Châu Đốc, chúng tôi
còn ghé qua một điểm tham quan rất hấp dẫn, đó chính là rừng tràm Trà Sư, một
điểm đến rất độc đáo, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng và khám phá hệ sinh thái
ngập nước đặc trưng của rừng tràm, ngắm nhìn hàng trăm loài chim cùng với hệ
thống rừng tràm dày đặc nơi đây. Từ bãi gửi xe chúng tôi đi bộ khoảng 500m là
đến bến thuyền. Thuyền máy sẽ đưa chúng tôi vào khu vực vùng lõi của rừng tràm
sau đó sẽ chuyển sang xuồng ba lá. Cảm giác khi đặt chân xuống xuồng khá chông
chênh nhưng thực sự rất chắc chắn và an toàn. Các cô chèo xuồng cũng rất thân
thiện và cởi mở, luôn miệng giới thiệu cho chúng tôi về các loại chim, mùa nào
chim về hay kể về mùa nước nổi ở Trà Sư. Còn tôi thì thực sự ấn tượng và choáng
ngợp với khung cảnh nơi đây, những dãy rừng tràm trải dài ngút tầm mắt cùng với
lớp bèo hoa dâu xanh mướt tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thanh bình cho cảnh đẹp
nơi đây. Rời khỏi Trà Sư lúc mặt trời vừa tắt nắng chúng tôi vẫn còn lưu luyến
vì chưa được khám phá hết vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư. Hẹn một ngày không xa
chúng tôi sẽ trở lại nơi này.
Hoàng hôn ở Trà Sư
Nguyễn Hải Vinh
Sài Gòn (7/2015)
Related Posts