Ngày thứ ba của hành trình khám phá Mekong cũng là ngày để lại cho tôi nhiều cảm xúc thú vị
nhất. Vùng đất này tôi đến cũng không ít lần, cũng có thể tự tin là mình có đôi
chút hiểu biết về nó, nhưng thực sự những điểm đến tôi có dịp trải qua ở đây
lại quá mới lạ và hấp dẫn. Và đương nhiên tôi đón nhận nó với một sự phấn khích
tột độ. Sau một giấc ngủ sâu, tôi dậy thật sớm để bắt đầu một ngày mới của mình
tại thành phố ngã ba sông: Châu Đốc.
Làng cá bè Châu Đốc
Khám phá làng cá bè trên dòng sông Hậu
Chuẩn bị khởi hành ở bến tàu
Ai đã đến Châu Đốc đều nhận thấy tại
khu vực công viên trung tâm của thành phố có một biểu tượng rất độc đáo, đó
chính là biểu tượng về hai con cá tra và cá ba sa đang quấn vào nhau. À đó là
hai con cá biểu tượng của Châu Đốc, là nguồn thu nhập đáng kể của người dân
vùng sông nước này. Người dân nơi đây không nuôi cá trong những ao hồ mà họ
nuôi ngay chính trong nhà của mình, nhưng nhà của họ cũng rất độc đáo, đó là
nhà nổi. Ngôi nhà bằng gỗ với diện tích trên dưới 100m2 hoặc lớn hơn nữa, phía
trên là nơi ở sinh hoạt của gia đình, phía dưới được quây lại bằng lưới, có độ
sâu vài mét trở thành một lồng cá chắc chắn. Phía trên có nắp hầm là nơi để chủ
nhà cung cấp thức ăn cho cá hoặc thu hoạch cá khi cá lớn. Từ sáng sớm chúng tôi
đã háo hức ra bến tàu để lên đường khám phá làng cá bè Châu Đốc, thuyền chạy
chừng 10 phút thì từ xa chúng tôi đã thấy thấp thoáng nhiều ngôi nhà bè sừng
sững hiện ra. Nhà bè được làm từ gỗ căm xe hoặc các loại gỗ tốt có thể chịu
được mối mọt và chống thấm nước, tuổi thọ lên tới vài chục năm.
Một ngôi nhà nổi ở làng cá bè Châu Đốc
Chúng tôi ghé vào một một nhà bè
thuộc vào loại lớn ở đây, nhà sơn màu xanh da trời trông rất mát mẻ, phía trước
nhà là gian thờ thiên, một khoảnh sân khá rộng ở giữa là nắp của hầm cá, phía
bên trong là gian phòng trưng bày các đồ lưu niệm và đồ thủ công mĩ nghệ truyền
thống của người dân địa phương. Bên hông của nhà bè còn có hành lang đi lại và
một khu vườn trồng rau xanh mướt. Nói là nhà bè trên sông chứ tôi thấy nó còn
rộng rãi, thoải mái và tiện nghi gấp nhiều lần những ngôi nhà trên đất liền. Ở
một nơi bị ảnh hưởng bởi mùa nước nổi thì nhà bè là một lựa chọn rất hợp lí.
Anh chị chủ nhà cũng rất dễ gần, cười nói vui vẻ với chúng tôi khi được hỏi về
cuộc sống của họ. Một cảm giác gần gũi, thân tình mà tôi cảm nhận được khi đến
với bất kì vùng đất nào ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bên trong nhà nổi ở Châu Đốc
Trải nghiệm ở làng Chăm cồn Tiên
Làng Chăm ở cồn Tiên
Rời khỏi khu vực làng cá bè, chúng
tôi lên thuyền đi thêm một đoạn nữa rồi đến với khu vực cồn Tiên, một trong
những địa điểm có đông người Chăm sinh sống. Cần nói thêm rằng tỉnh An Giang là
nơi có đông người Chăm theo đạo Hồi sinh sống nhất ở đồng bằng sông Cửu Long,
họ sống quần tụ thành từng làng, từng xã. Châu Giang, Cồn Tiên, Phú Tân là
những nơi có số lượng người Chăm đông nhất. Chúng tôi xuống thuyền và bắt đầu
đi sâu vô khu vực làng Chăm. Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy chính là nhà ở
của họ, người Chăm ở cồn Tiên sống trong những nhà sàn bằng gỗ, một mặt là
đường đi, phía sau có thể là đường sông. Nhà sàn rất tiện lợi vào mùa nước nổi.
Nhìn chung cuộc sống của người Chăm ở đây còn gặp nhiều khó khăn, trong các
ngôi nhà sàn có bày bán rất nhiều đồ lưu niệm, đồ thủ công mĩ nghệ nhưng nhiều
nhất vẫn là đồ thổ cẩm. Phải nói là đồ thổ cẩm ở đây rất đẹp và tinh xảo, những
chiếc túi xách, trang phục hay những chiếc ví hình những con thú rất đáng yêu
ngay lập tức thu hút ánh nhìn của chúng tôi. Những người bán hàng cũng rất thân
thiện, không hề nói thách hay tỏ thái độ khó chịu nếu du khách chỉ coi mà không
mua.
Đồ lưu niệm ở làng Chăm cồn Tiên
Xem qua một hồi chúng tôi tiếp tục
đến với khu vực nhà thờ của họ, đây là những nhà thờ với kiến trúc của Hồi giáo
với mái vòm giống như hình củ tỏi, màu sơn trắng toát tạo nên một không gian
rất trang nghiêm và thanh tịnh. Người Chăm theo đạo Hồi một ngày phải làm lễ
mấy lần, có thể thực hiện nghi lễ tại nhà thờ hoặc tại nhà riêng của mình nhưng
phải hướng về thánh địa Mecca, vùng đất thiêng trong tâm tưởng của tín đồ đạo
Hồi. Bên trong nhà thờ cũng không có cốt tượng của bất kì vị thần nào, với tín
đồ đạo Hồi, thánh Allah luôn ngự trị trong trái tim của họ và họ dành cho vị
thần tối cao của mình niềm kính yêu và tôn trọng nhất. Khi chúng tôi đến thì
nhà thờ ở cồn Tiên đang sửa chữa, phía bên ngoài có khá nhiều phụ nữ và trẻ em.
Phụ nữ ở đây đội khăn, mặc trang phục gần như che kín cả người, chỉ hở có khuôn
mặt. Rời khỏi làng Chăm chúng tôi lên thuyền để quay về khám phá chợ Châu Đốc.
Thánh đường của người Chăm ở cồn Tiên
Thế giới mắm ở chợ Châu Đốc
Trứng ở chợ Châu Đốc
Chợ Châu Đốc là chợ mà tôi thích nhất ở miền
tây. Châu Đốc đã rất nổi tiếng với mặt hàng đặc sản của mình là mắm. Mắm Châu
Đốc rất ngon và là nguyên liệu chính cho các món ăn nổi tiếng như bún nước lèo,
bún mắm hay lẩu mắm. Mắm có thể được làm từ nhiều loại cá khác nhau như các
linh, cá sặc. Chúng tôi lần theo những con đường trong chợ để đến với thế giới
mắm. Các chị tiểu thương bán mắm rất vui vẻ và nhiệt tình khi chúng tôi ngỏ ý
muốn được chụp hình các món ăn tại đây. Một điều tôi rất thích ở người miền tây
đó chính là cách xưng hô. Người lớn tuổi hay gọi người nhỏ tuổi hơn là cưng, từ
cưng này không phân biệt là nam hay nữ. Tôi rất thích cách xưng hô này, với
người lạ như tôi nó mang đến sự thiện cảm và chân tình, họ vừa gọi vừa cười
cùng với thái độ hết sức tự nhiên, chân thành. Ôi yêu con người miền tây quá,
họ sống hào sảng, phóng khoáng và tươi vui như thiên nhiên sông nước nơi đây.
Mắm Châu Đốc
Chợ Châu Đốc ngoài mắm ra còn có rất nhiều món ăn dân dã nhưng cũng không kém phần hấp dẫn như: món bánh bò được làm từ đường thốt nốt với màu vàng đậm đặc trưng, thơm ngon nhưng không quá ngọt, món bánh bông lan trứng muối phía trên còn có thêm lạp xưởng chiên giòn rất hấp dẫn, món tàu hủ ki được xếp gọn gàng thành từng cây nhỏ rất tiện cho việc cầm nắm, món ba ba rang muối nhưng hấp dẫn nhất là các loại khô như khô cá, khô tôm. Món khô cá nướng lên chấm với nước mắm me thì không gì tuyệt vời hơn. Châu Đốc quả thực là điểm đến cực kì hấp dẫn đối với riêng bản thân tôi.
Nguyễn Hải Vinh
Sài Gòn (7/2015)
Unknown
Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015
Related Posts