TP
Hồ Chí Minh là nơi còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc,
những công trình pha trộn giữa nét Á – Âu tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho bộ mặt
của thành phố. Một trong những công trình đó là Bưu điện trung tâm. Chúng tôi
vào thăm Bưu điện để tận mắt chiêm ngưỡng những phong cách kiến trúc độc đáo đó
và để gặp trực tiếp một người rất nổi tiếng tại đây.
Bưu
điện trung tâm mới hơn 9h sáng nhưng đông ngẹt du khách, ngay tại sân phía
trước từng nhóm du khách tranh thủ chụp hình hay lắng nghe lời thuyết minh của
hướng dẫn viên du lịch. Bưu điện trung tâm được xây dựng từ những năm 1860 và
hoàn thành năm 1863.Tòa nhà có hai tầng, tầng dưới là nơi đón tiếp người dân và
du khách, tầng trên là các văn phòng của Bưu điện. Phía ngoài, ngay chính diện
nổi bật dòng chữ Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh và một cái đồng hồ lớn. Bước
vào bên trong đập vào mắt chúng tôi là tấm chân dung khổ lớn của chủ tịch Hồ
Chí Minh, khuôn mặt Bác hiền từ, nhân hậu, nở nụ cười niềm nở với bất kì người
dân và du khách vào đây.
Hệ
thống mái vòm rất đặc sắc, mái vòm lớn được đỡ bởi bốn trụ sắt, vòm cung dài
được đỡ bởi hai hàng trụ hai bên. Những ô điện thoại bằng gỗ được trang trí cầu
kì, chạm trổ hết sức khéo léo, gây ấn tượng mạnh với du khách đến đây. Dọc hai
bên là những dãy bàn của các dịch vụ tại Bưu điện, ngay tại khu vực trung tâm
và hai bên hông của Bưu điện là những quầy hàng lưu niệm, đồ thủ công mĩ nghệ,
quần áo, trang sức….được bày bán rất nhiều tại đây và luôn tấp nập du khách
chọn mua.
Du khách ở Bưu điện thành phố
Nhưng
điều đặc biệt thu hút tôi tại đây đó chính là một góc nhỏ nằm khuất phía sau
những quầy bán hàng lưu niệm. Tại đây có những dãy bàn gỗ dài, nơi có một bác đã
lớn tuổi ngồi nhận viết, dịch hay hỗ trợ những người gửi thư. Tôi hỏi chuyện
thì được biết tên bác là Dương Văn Ngộ, năm nay đã 84 tuổi rồi. Ngày trước bác
làm việc tại Bưu điện trung tâm thành phố, nhưng đã về hưu từ năm 1990. Sau đó
bác làm công việc viết thư thuê hay dịch thư từ ngày đó tới giờ, tính ra cũng
đã 24 năm. Những du khách đến đây rất thích được trò chuyện với bác, nhất là du
khách Pháp vì bác nói tiếng Pháp và cả tiếng Anh rất tốt, họ xin phép được chụp
hình, quay phim cùng bác. Tôi nghĩ một ngày có biết bao lượt du khách ghé qua,
bác phải trò chuyện với rất nhiều người nhưng bác vẫn vui vẻ trả lời từng câu
hỏi của họ, sẵn sàng cho họ chụp hình. Bác nói họ quý mến mình thì mới như vậy,
đôi khi có những du khách còn gửi tặng quà cho bác. Bác còn khoe với tôi là mới
được Đài truyền hình thành phố mời ghi hình, họ gửi bác thù lao, bác lấy hết
đem cho con cháu và tặng vợ hết rồi. Rồi bác cho tôi xem những bức hình mà du
khách gửi tặng bác, có cả hình nghệ sĩ Hoài Linh chụp chung nữa.
Bác Dương Văn Ngộ
Tôi
hỏi nhà bác có gần đây không thì bác nói mình ở bên Thị Nghè, mỗi ngày đều đạp
xe qua đây làm việc, hết giờ làm việc của Bưu điện thì về nghỉ, bác làm không
phải vì tiền, bác làm để người nước ngoài hiểu hơn, yêu mến hơn đất nước Việt
Nam thôi. Tôi nhớ mãi câu nói này của bác. Ngồi nói chuyện một lát nữa tôi xin
phép ra về để không làm phiền công việc của bác.
Khi
sắp bước chân ra khỏi Bưu điện thì tôi lại nhớ tới câu nói của bác lúc nãy. Bác
như một biểu tượng sống, một nhân chứng lịch sử với sự thăng trầm của Bưu điện,
không chỉ vậy đất nước Việt Nam còn phải cảm ơn bác về những đóng góp thầm lặng
cho hình ảnh con người Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Tôi thầm nghĩ
bác mới chính là vị đại sứ du lịch tuyệt vời của chúng ta, ít ra là trong mắt
tôi. Mong bác ngày càng khỏe mạnh để gắn bó lâu hơn nữa công việc rất đặc biệt
này.
Một số hình ảnh tôi chụp tại Bưu điện thành phố.
Bác Ngộ đang giúp một cô viết thư
Quầy lưu niệm ở bưu điện
Du khách quốc tế rất thích trò chuyện với bác
Tác giả bài viết đang trò chuyện với bác
Nguyễn Hải Vinh
Related Posts