Một chuyến đi ngắn ngày với mục đích
nghỉ ngơi, thư giãn là chính. Đắn đo mất vài ngày để chọn được địa điểm thích
hợp với tiêu chí: ít người, thoải mái, không quá xa, nhiều điểm để khám
phá….Một vài cái tên được trưng ra trước mặt để lựa chọn, lạ cũng có, quen cũng
có nhưng suy đi tính lại rồi chúng tôi cũng chọn một cái tên quen thuộc. Tuy là
địa điểm quen thuộc nhưng lần này sẽ làm mới chính mình để khám phá thành phố
cực kì đáng yêu này. Không suy nghĩ gì nữa, thời tiết mát mẻ, những món ăn
ngon, những đồi trà xanh ngút ngàn, những con thác hùng vĩ đang chờ đón chúng
tôi. Bảo Lộc ơi, lên đường thôi.
Trời ơi, Bảo Lộc lạnh quá.
Dừng chân ở con suối ven đường
Khởi hành tầm 5h sáng từ Sài Gòn,
trong những ngày mà cái lạnh vẫn còn lưu luyến chưa muốn chia tay thành phố
này, chúng tôi háo hức lên đường đi Bảo Lộc, nơi một cái lạnh khác đang chờ
đón. Vượt hơn 70km thì bụng cũng vừa đói, kim đồng hồ chỉ 7h, bữa ăn sáng thật
gọn nhẹ cũng thật quen thuộc, ăn đúng tại cái tiệm bánh mì mấy năm về trước khi
đi Bảo Lộc chúng tôi cũng ghé ăn. Chị ơi cho tụi em mỗi đứa một ổ bánh mì hai
trứng nha chị. Mất 5p để giải quyết chú em bao tử và 10k cho mỗi ổ bánh, khí
thế hừng hực chúng tôi vượt qua những địa danh quen thuộc như: cầu La Ngà, Tân
Phú, Madagui, đèo Chuối, đèo Bảo Lộc và đặt chân tới thành phố đáng yêu này lúc
11h30.
Bảo Lộc trong sương sớm
Cảm giác đầu tiên là không khí mát mẻ
quá, đi giữa trưa mà không thấy nóng bức chút nào. Còn đi vào khu vực bóng râm
là mát lạnh luôn. Tới chiều khi lang thang vào khu vực đồi chè trên đường đi
thác Dambri thì chúng tôi mới cảm nhận được cái lạnh, hết mát rồi nha mọi người,
của vùng đất này. Tối đến thì khỏi phải nói, vừa lạnh mà vừa gió nữa. Vừa ngồi
nhâm nhi ly sữa bắp nóng mà chân tay run lẩy bẩy vì lạnh. Đi Bảo Lộc cũng nhiều
rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy thời tiết lạnh như vầy. Nhưng phải
lạnh như vầy mới sướng chứ, vượt 200km là để có cái không khí như vậy mà, chứ
không lạnh dám tui chạy về lại Sài Gòn rồi đó.
Những món ăn ngon mà tôi vô tình phát hiện.
Một góc thành phố Bảo Lộc
Đúng là ở nơi khí hậu mát lạnh thì có
cảm giác ăn gì cũng ngon, nhất là những món nước, món nướng…Chiều ngày đầu sau
khi lang thang trong các đồi trà thì chúng tôi dạo quanh thành phố để tìm quán
ăn. Dọc con đường Trần Phú có rất nhiều quán ăn, vừa đi vừa nhìn xem có cái
quán nào biển số toàn 49 không thì tấp vô liền. Đây rồi, chúng tôi phát hiện ra
quán bún riêu Bà Lan đối diện với nhà thờ lớn, toàn biển số xe địa phương. Gọi
cho mình một tô bún riêu bốc khói, ấn tượng đầu tiên của tôi là không cần ăn
cũng đã thấy ngon rồi, tô bún riêu với cục giò ướp màu vàng cam thật hấp dẫn,
mọc, chả, huyết đi kèm nhìn cũng thật bắt mắt ăn kèm với đĩa rau sống thái nhỏ
ngon tuyệt. Húp một ít nước, cắn một miếng mọc kèm theo miếng chả nữa, tôi nhận
ra rằng đây là một trong những tô bún riêu ngon nhất mình từng ăn. Giá cũng
không quá đắt cho một tô bún riêu chất lượng như vậy. 30K
Tối hôm đó chúng tôi hùa nhau đi uống
sữa nóng cho ấm bụng, đúng là xứ lạnh mới có nhiều sự lựa chọn về sữa nóng như
vậy. Dọc khu vực nhà thờ lớn, đường Trần Phú có rất nhiều tiệm bán sữa, chúng
tôi chọn quán Mai sữa, không hiểu sao tôi rất cảm tình với quán nào mà có chữ
Bà, chữ Cô hay những người lớn tuổi đứng bán. Sữa mè, sữa bắp, sữa đậu
phộng….đủ thứ cho chúng tôi lựa chọn. Gọi ngay một ly sữa bắp nóng hổi để nhâm
nhi, áp hai tay vào li để cảm nhận hơi ấm, hít một hơi thật sâu mùi thơm nồng
của bắp, sữa rất thơm, ngọt nhẹ không quá gắt, uống tới đâu ấm người tới đó.
Chừng 10p sau, tôi đập bàn cái rầm nói dì ơi cho con ly nữa, ngon quá trời quá
đất luôn (cái này tôi nghĩ trong đầu thôi, không có nói ra…hehe).
Thật thiếu sót nếu không kể đến bữa
ăn sáng ngày cuối cùng, quán bún bò trên đường Bế Văn Đàn, bên hông của nhà thờ
lớn, quán không lớn lắm, tôi để ý cũng không thấy biển hiệu nhưng bạn mà đi trễ
thì không có chỗ ngồi đâu, không chỉ người dân ở đây mà còn khách thập phương
nữa, biển xe ô tô các tỉnh đậu từ quán ra tới gần đường Trần Phú luôn. Đợi
chừng 5p, tô bún bò đầu tiên xuất hiện, trời ơi cục giò còn bự hơn cục giò bên
tô bún riêu hôm qua nữa. Thấy vậy là sướng rồi, đi kèm với nó còn có huyết, chả
và rau sống không giới hạn. Bạn ăn được bao nhiêu thì xin bấy nhiêu, rau vùng
cao vừa sạch, vừa ngon, chúng tôi ăn thoải mái mà không sợ gì hết. Vị ngọt đậm
đà của nước dùng, thịt mềm không dai, sợi bún to, chắc, nêm nếm thêm chút gia
vị chanh, ớt, tất cả hòa quyện vào nhau làm nên một tô bún bò ăn rồi thì sẽ
không bao giờ quên.
Những món kể trên trong những lần đi
trước tôi chưa được thưởng thức. Nghĩ lại mới thấy mình phí phạm ghê, tại sao
lại không phát hiện ra sớm hơn để được ăn nhiều lần hơn. Về tới Sài Gòn mấy
ngày rồi mà khi nghĩ lại vẫn còn thòm thèm khi nghĩ tới. Có dịp mình sẽ quay
lại nơi đây để ăn cho đã những món này nữa.
Khám phá chùa Di Đà (Hay còn gọi là chùa Đăng Đừng).
Cánh đồng trà gần thác Dambri
Vô tình biết đến chùa Di Đà, chúng
tôi quyết định phải vào được ngôi chùa này. Theo thông tin tìm hiểu được thì
chùa nằm gần khu vực thác Dambri, đường vào cũng khá khó khăn. Theo con đường
len lỏi qua các đồi trà vào thác Dambri, khi cách thác chừng 1km bạn sẽ thấy
biển chỉ dẫn bên phải đường đi chùa Di Đà 4km. Men theo con đường đó chúng tôi
tìm đường vào chùa, lúc này khó khăn mới xuất hiện, đường vào chùa quá xấu, đất
đá lổm chổm, lúc lên lúc xuống, cũng may là không đi vào mùa mưa, đường tuy xấu
nhưng đi vào vẫn được. Dọc đường đi chúng tôi bắt gặp một con suối nhỏ ven
đường, khỏi phải nói, không ai bảo ai, đều dừng xe chạy ào xuống, tha hồ vẩy
dòng nước mát lạnh lên mặt mình. Cảm giác thật sảng khoái, thiên nhiên trong
lành, tinh khiết là đây. Tôi uống thử 1 ngụm nước suối xem có vị gì không, nước
ngọt mát, hơi lạnh chút.
Thác nước trên đường vào chùa Di Đà
Vươt qua 4km đường đau khổ, chúng tôi
tới được chùa Di Đà, chùa không lớn lắm, phía trước có một đồi chè xanh ngắt,
phía bờ hồ là phiên bản chùa một cột. Khuôn viên chùa rải rác những hình tượng
về nhà Phật. Do đây là khu vực của người Mạ sinh sống nên chánh điện chùa xây
theo kiểu nhà sàn của người bản địa. Tiếng mõ đâu đó vang lên giữa không gian
thanh tịnh, yên bình làm chúng tôi quên hết mệt nhọc khi vượt qua con đường vào
đây. Những biểu tượng trên nóc chùa, trên các hành lang dọc chánh điện rất lạ
lẫm với chúng tôi, tạo ra cảm giác vừa gần gũi, vừa kì bí, hấp dẫn.
Kiến trúc ở chùa Di Đà
Chia tay chùa Di Đà, chúng tôi quay
trở ra với những cảm nhận của riêng bản thân mình, về những trải nghiệm mình đã
có. Mỗi chuyến đi chúng tôi có thêm bài học về cuộc sống, về con người, về văn
hóa mỗi vùng miền mình đặt chân đến. Du lịch không chỉ là vui chơi, tham quan,
ăn uống mà còn là dịp để mình hiểu, trải nghiệm, thu thập thêm những kiến thức,
kinh nghiệm sống cho riêng mình. Bầu trời phía trước luôn rộng mở cho những ai
thích tìm tòi, khám phá và trải nghiệm. Có dịp là lên đường thôi, không chần
chừ gì hết.
Unknown
Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015
Related Posts